Một số nét kinh tế Việt Nam
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng quan về kinh tế Việt Nam: Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới với ba trụ cột: (i) chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường; (ii) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò ngày càng quan trọng; (iii) chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam (Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992, 1996 và 2000). Năm 1990 Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty ra đời. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 nêu rõ đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường và khu vực đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường như Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Luật môi trường, Luật lao động và hàng trăm các văn bản pháp lệnh, nghị định của Chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 được coi là bước đột phá trong tư duy và cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã thay thế các quy định pháp luật trước đó về doanh nghiệp (bao gồm Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003) và áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, có tác dụng đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế. Cũng tương tự, Luật Đầu tư năm 2005 đã thay thế Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998 và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000, áp dụng thống nhất cho hoạt động đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo bước tiến dài trong việc điều chỉnh, cải tiến môi trường đầu tư của Việt Nam. Hiến pháp 2013 (sửa đổi) khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Cùng với việc xây dựng luật, các thể chế thị trường ở Việt Nam đã từng bước được hình thành. Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, nhấn mạnh quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tập trung vào các biện pháp quản lý kinh tế, thành lập hàng loạt các tổ chức tài chính, ngân hàng, hình thành các thị trường cơ bản như thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường đất đai… Cải cách hành chính được thúc đẩy nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi và đầy đủ hơn cho hoạt động kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã thực hiện chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 với trọng tâm sửa đổi các thủ tục hành chính, luật pháp, cơ chế quản lý kinh tế, tạo một thể chế năng động. Hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đang được triển khai nhằm phục vụ hiệu quả các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Những cải cách kinh tế mạnh mẽ trong gần ba thập kỷ đổi mới vừa qua đã mang lại cho Việt Nam những thành quả rất đáng phấn khởi. Việt Nam đã tạo được một môi trường kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và năng động. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được khuyến khích phát triển, tạo tính hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Môi trường đầu tư trở nên thông thoáng hơn, thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và phát triển thêm một số ngành nghề tạo ra nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn. Đặc biệt, việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, là cơ hội tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nổi bật là Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, liên tục trong nhiều năm. Nếu như trong giai đoạn 1986-1990, GDP chỉ tăng trưởng bình quân 3,9%/năm, thì trong 5 năm tiếp theo (1991-1995) đã đạt mức tăng bình quân 8,2%. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong giai đoạn 1996-2000 tốc độ tăng GDP của Việt Nam là 7,5%. Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với GDP bình quân là 7,26%/năm trong mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010. Từ 2011-2013, GDP của Việt Nam tăng trung bình là 5,5-6% năm. Từ năm 2008 đến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 1.024 USD/người/năm lên 1.960 USD/người/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Cùng với tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong nước của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng lên trong khi nông nghiệp giảm xuống. Hiện, cơ cấu công nghiệp dịch vụ chiếm khoảng 80% trong tổng GDP quốc gia. Năm 2013, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3%. Xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 20%/năm trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 200 tỷ USD/năm. Chỉ tính riêng năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh, có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Từ mức gần như con số không vào năm 1986, vốn đăng ký FDI đã tăng lên 64 tỷ USD năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2012, Việt Nam có 14.522 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD. Thu hút FDI từ đầu năm 2013 đến 15/12/2013 đạt khoảng 21,6 tỷ USD, bao gồm 14,3 tỷ USD vốn đăng ký của 1275 dự án được cấp phép mới và 7,3 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước.
Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, những chính sách và biện pháp điều chỉnh, sắp xếp lại các doanh nghiệp, đặc biệt là những biện pháp về quản lý tài chính của công ty nhà nước, quản lý các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hay việc chuyển các công ty nhà nước thành công ty cổ phần theo tinh thần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước, ngày càng được coi trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả cho khu vực kinh tế quốc doanh. Số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 01/01/2013 bằng 54,4% con số của năm 2000, giảm 2624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần.
Trong những năm qua, các thành tựu kinh tế của Việt Nam đã được sử dụng hiệu quả vào các mục tiêu phát triển xã hội như: gắn kết tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế, giáo dục; nâng chỉ số phát triển con người HDI (tăng 41% trong hai thập kỷ qua); tăng tuổi thọ trung bình của người dân từ 50 tuổi trong những năm 1960 lên đến 73 tuổi năm 2012; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 70% đầu những năm 1980 xuống còn 9,6% năm 2012. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển con người.
Việt Nam chủ trương tham gia tích cực và chủ động vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng. Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện tham gia nhiều liên kết kinh tế ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, là thành viên của Liên hiệp quốc, của Tổ chức Thương mại Thế giới, ASEAN, ASEM, APEC, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác. Hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… ngày càng được củng cố và mở rộng. Việt Nam đã ký Hiệp định kinh tế song phương với Hoa Kỳ, EU, Nhật và nhiều quốc gia khác; đang tích cực đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Bê-La-Rút - Ca-dắc-xtan và đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011, Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt, là nền tảng cho thực hiện thành công hội nhập quốc tế.
Liên hệ ĐSQ
Địa chỉ : Tokyo, 151-0062, Shibuya-ku, Motoyoyogi-cho, 50-11
Điện thoại:
- (813) 3466-3311
- (813) 3466-3313
- (813) 3466-3314
Fax:
- (813) 3466-7652
- (813) 3466-3312
Email:
- Thông tin chung
vietnamembassy-japan@vnembassy.jp
- Thủ tục lãnh sự
vnconsular@vnembassy.jp
- Hộp thư Bảo hộ Công dân
baohocongdan@vnembassy.jp