TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NHẬT BẢN

VÀ TÌNH HÌNH QUAN HỆ VIỆT-NHẬT

 

I.THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NHẬT BẢN

1. Địa lý: Nhật Bản là quần đảo nằm ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, trải theo một vòng cung hẹp dài 3.800km. Gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích là 377.944km2, với 4 đảo lớn nhất, chiếm 97% diện tích, là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. 73% diện tích đất là đồi núi và rừng rậm. Hiện còn 108 núi lửa đang hoạt động. 

2. Dân số: Dân số: 127,7 triệu (khái toán 7/2018) ( Tổng cục thống kê Nhật Bản). Tuổi thọ trung bình là 83,5 cao nhất thế giới. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm dân số, dự báo là 95 triệu đến 2050, chủ yếu do tỷ lệ sinh mới thấp. Chính phủ Nhật Bản đang từng bước nới lỏng các quy định nhập cư và công nhận quốc tịch tự nhiên nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động này.

3. Lịch sử: Lịch sử Nhật Bản đi qua thời cổ đại và phong kiến, hình thành phân chia giai cấp và các nhà nước nhỏ. Thủ đô đầu tiên của Nhật Bản là Nara vào đầu thế kỷ thứ 8 và tồn tại hơn 70 năm (từ 710 đến 784). Năm 794, Thủ đô mới được chuyển tới Kyoto, mở ra thời kỳ Heian với những phát triển vượt bậc trong văn học nghệ thuật. Năm 1603, Tướng quân Tokugawa Ieyasu lập ra Chính phủ quân sự ở Edo (sau gọi là Tokyo). Đây là 1 bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, tạo ra khuôn mẫu thể chế chính trị xã hội duy trì trong suốt 265 năm với những biện pháp quyết liệt như đóng cửa với thế giới bên ngoài, rồi sụp đổ năm 1867 và Hoàng đế được khôi phục đầy đủ quyền lực trong cuộc phục hưng Minh Trị (1868-1912). Sau Chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ từ 1945~1951. Năm 1951, Nhật Bản ký Hiệp ước Hoà bình San Francisco; song song với phục hồi kinh tế, Nhật Bản dần khôi phục vị thế quốc tế, trở thành thành viên tích cực trong các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế.

- Một số lãnh đạo chủ chốt:

·       

Thủ tướng: Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) (Đảng Dân chủ Tự do), từ ngày 26/12/2012 và sau cải tổ Nội các từ 24/12/2014.

·       

Chủ tịch Hạ viện: Tadamori Oshima (Đảng Dân chủ tự do), từ 21/4/2015.

·       

Chủ tịch Thượng viện: Date Chuichi (Đảng Dân chủ Tự do), từ 1/8/2016.

·       

Ngoại trưởng: Taro Kono (Ta-rô Kô-nô) (Đảng Dân chủ Tự do), từ ngày 3/8/2017.

- Đơn vị tiền tệ: Yên

- Tỷ giá: 113,55 yên/USD (13/12/2018)

- GDP (PPP) năm 2018: 5633 nghìn tỷ Yên (tương đương 5 nghìn tỷ USD) (Nguồn: Tổng cục thống kê Nhật Bản).

- Dự trữ ngoại tệ đến tháng 10/2018: 1.252,87 tỷ USD (Nguồn: Bộ Tài chính Nhật Bản).

- Chế độ chính trị: Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh, trong đó:

+ Nhà Vua Nhật Bản Akihito là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại.

+ Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.

+ Chính phủ hiện nay là chính phủ liên hiệp giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh (Komeito).

II. TÌNH HÌNH NHẬT BẢN:

1. Chính trị nội bộ:

- Nhật Bản theo hệ thống chính trị đa đảng phái, trong đó Đảng Dân chủ tự do (LDP) là đảng chính trị lớn nhất và cầm quyền gần như liên tục trong giai đoạn 1955-2009. Từ năm 2009-2012, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên cầm quyền thay đảng LDP. Từ 12/2012,Đảng Dân chủ Tự do trở lại nắm quyền kiểm soát được cả hai Viện trong Quốc hội.

- Quốc hội Nhật Bản hiện nay bao gồm các nghị sỹ thuộc 10 đảng phái khác nhau, trong đó 2 đảng lớn nhất là LDP và DPJ. 

+ Tại Hạ viện (kết quả bầu cử 14/12/2014): LDP 291/475 ghế, Công Minh 35/475, DPJ 73/475, Duy Tân 41/475, Cộng sản 21/475…. Trong đó, Liên minh cầm quyền LDP-Công Minh chiếm 326/475 ghế, hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện.

+ Tại Thượng viện: LDP 114/242 ghế, Công Minh 20/242, DPJ 58/242, Duy Tân 9/242, Đảng của mọi người 18/242, Cộng sản 11/242… Trong đó, Liên minh cầm quyền LDP-Công Minh chiếm 135/242 ghế, quá bán tại Thượng viện.

2. Kinh tế:

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại, tuy tiếp tục có nhiều vấn đề nan giải song Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.

Sau khi lên nắm quyền (12/2012), Thủ tướng Abe đã triển khai mạnh mẽ chính sách kinh tế mới Abenomics gồm 3 “mũi tên”: (i) Chính sách tiền tệ mạnh dạn; (ii) Chính sách tài chính cơ động; (iii) xây dựng Chiến lược tăng trưởng mới. Đến nay, chính sách kinh tế Abenomics bước đầu phát huy hiệu quả tích cực song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trung hạn. Việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng lên 8% từ ngày 1/4/2014 đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. GDP thực cả năm 2014 giảm 0,9% buộc Thủ tướng Abe quyết định hoãn thời điểm tăng thuế tiêu dùng lên 10% đến tháng 4/2017 (ban đầu dự kiến tháng 10/2015). Hiện GDP thực quý I năm 2015 chỉ tăng 1%. Tác động của việc đồng yên giảm giá khiến số khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh (năm 2014 đạt 13,41 triệu người, tăng 29% so với năm 2013). Thương mại thâm hụt tiếp tục là vấn đề đối với kinh tế Nhật Bản (tính đến tháng 1/2015 là tháng thâm hụt thứ 31 liên tiếp). Nhật Bản đang đẩy mạnh các thủ tục để tái khởi động lại nhà máy điện hạt nhân đã bị ngừng hoạt động sau thảm họa động đất sóng thần 11/3/2011.

3. Ngoại giao:

Từ khi lên nắm quyền tháng 12/2012, Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) đã triển khai chính sách đối ngoại với 4 trụ cột: (i) tăng cường quan hệ Nhật-Mỹ, (ii) cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, (iii) ngoại giao phục vụ kinh tế, (iv) đóng góp tích cực vào hòa bình ổn định khu vực và thế giới. Nhật Bản thông qua Đại cương ODA (2/2015), lần đầu tiên cho phép cung cấp ODA cho quân đội nước ngoài với mục đích phi quân sự”.

Theo đó, Nhật Bản (i) củng cố và đẩy mạnh quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia, coi đây là trụ cột của ngoại giao Nhật Bản; (ii) đẩy mạnh quan hệ nhiều mặt với các nước khu vực CÁ-TBD, coi hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực này là yếu tố đảm bảo cho sự ổn định về mặt an ninh chính trị và thúc đẩy hồi phục kinh tế của Nhật Bản; (iii) không chấp nhận Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh; tăng cường năng lực bảo vệ vùng biển, vùng trời, đặc biệt ở khu vực Tây Nam (gần Trung Quốc); (iv) coi trọng quan hệ với Hàn Quốc, sử dụng phương châm đối thoại và gây áp lực nhằm yêu cầu Triều Tiên có hành động cụ thể hướng tới giải quyết toàn diện các vấn đề bắt cóc, tên lửa và hạt nhân; (v) thúc đẩy quan hệ với Nga; (vi) khẳng định ASEAN là đối tác của hòa bình, ổn định và thịnh vượng, ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh-quốc phòng nhằm đối phó và kiềm chế Trung Quốc gia tăng hoạt động trên biển; (vii) thúc đẩy hợp tác chính sách về an ninh và năng lượng với các nước Ấn Độ, Úc, Trung Đông, EU...;(viii) coi Châu Phi là “mặt trận mới” của ngoại giao Nhật Bản. 

4. Quốc phòng-an ninh:

Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản không có quân đội mà chỉ có lực lượng phòng vệ (SDF). Nhật chủ yếu dựa vào sự bảo đảm của Mỹ theo Hiệp ước hòa bình (năm 1951) và Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ (năm 1960).Sau sự kiện 11/9/2001, Quốc hội Nhật thông qua 3 Luật chống khủng bố, cho phép cử quân ra nước ngoài, hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Tháng 5/2003, thông qua “Bộ luật hữu sự” mở rộng chức năng và hoạt động của SDF, quyền chỉ huy của Thủ tướng. Tháng 1/2007, Nhật Bản chính thức nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Phòng vệ (Bộ Quốc phòng).

Từ khi lên nắm quyền đến nay, Thủ tướng Abe đề xướng “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” mà theo giải thích của phía Nhật Bản là chủ trương của Nhật Bản nhằm đóng góp một cách tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực và thế giới dựa trên chủ nghĩa hợp tác quốc tế. Nhật Bản cũng khẳng định sẽ tiếp tục phát triển như một quốc gia hòa bình và đã triển khai một số nội dung: thành lập Hội đồng An ninh quốc gia” (12/2013) tạo cơ chế phản ứng nhanh và tăng vai trò của Thủ tướng về các vấn đề quốc phòng - an ninh; xây dựng Chiến lược An ninh quốc gia (12/2013) với những định hướng chiến lược cơ bản, nhất là về chính sách ngoại giao, quốc phòng-an ninh; ra nghị quyết về việc sửa đổi cách giải thích Hiến pháp cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể (7/2014); thông qua việc sửa đổi “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” (4/2014); sửa đổi Đại cương ODA theo hướng cho phép hỗ trợ quân đội nước ngoài với mục đích “phi quân sự” (2/2015); sửa đổi “Đại cương Kế hoạch phòng vệ” và “Kế hoạch trang bị phòng vệ trung hạn” (12/2013), trong đó nhấn mạnh Nhật tăng cường hợp tác an ninh, chuyển từ “phòng vệ động” (Đại cương 2010 dưới thời đảng Dân chủ) sang “phòng vệ cơ động tổng hợp”, tăng cường bảo vệ phía Tây Nam (gần Trung Quốc), đặc biệt là các đảo xa, đẩy mạnh liên kết tổng hợp hải-lục-không quân, tăng ngân sách quốc phòng và mua sắm trang thiết bị, vũ khí….

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe (27/4/2015), hai nước đã thông qua Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ mới cho phép nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nhật Bản trong hợp tác Nhật-Mỹ. Ngày 14/5/2015, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo một số luật về an ninh cho phép Nhật Bản sử dụng vũ lực khi thực hiện quyền phòng vệ tập thể, mở rộng đáng kể phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy việc thảo luận tại Quốc hội để thông qua các luật an ninh này trong mùa hè năm nay (kỳ họp quốc hội kéo dài đến cuối tháng 9).

III. QUAN HỆ VIỆT-NHẬT

1. Về khuôn khổ quan hệ: Tháng 3/2014, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” trong  chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

2. Một số cơ chế đối thoại giữa hai nước: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (đã họp phiên đầu tiên tháng 11/2013).

3. Hợp tác về kinh tế: Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2014).

Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hiện Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam  triển khai Kế hoạch hành động kèm theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn 2030.  

Về thương mại:Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2014, Nhật Bản là bạn hàng thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 27,612 tỷ USD (tăng 9,7% so với năm 2013), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,704 tỷ USD (tăng 8,2%), nhập khẩu đạt 12,908 tỷ USD (giảm 4,45%) (Tổng cục hải quan Việt Nam).

Kim ngạch thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm đạt 13,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,67 tỷ USD (giảm 7,2% so với cùng kỳ 2014), nhập khẩu đạt 7,25 tỷ USD (tăng 26,1% so với cùng kỳ 2014) (Nguồn: Bộ Công Thương).

Về đầu tư trực tiếp:

Trong năm 2014 (tính đến 20/12/2014), Nhật Bản đứng thứ 4 (sau Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore), tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 2,05 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.

Lũy kế đến 20/6/2015, Nhật Bản có 2.661 dự án với tổng vốn đăng ký là 37,72 tỷ USD, đứng thứ 2 (sau HQ) trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 83,3% vốn), kinh doanh bất động sản, xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2015 (tính đến 20/6/2015), Nhật Bản đứng thứ 5 với 131 dự án cấp mới và 61 dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 496,38 triệu USD (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài).

Hai bên hoàn thành báo cáo kết thúc Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 5 và nhất trí tiếp tục triển khai giai đoạn 6 trong năm 2015. 

Về viện trợ phát triển chính thức ODA:

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2014 (31/3/2014), Nhật Bản đã cam kết khoảng 27, 05 tỷ USD (theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA cho Việt Nam. Giải ngân ODA của Việt Nam (không kể các khoản vay chương trình hỗ trợ ngân sách) đạt 22%, tương đương 147 tỷ Yên, đứng thứ 2 (sau Ấn Độ) trong số các nước sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản.

4.Hợp tác trên các lĩnh vực khác:

- Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký biên bản hợp tác phát triển nông nghiệp với Bộ Nông lâm thủy sản của Nhật Bản và Tỉnh Ibaraki, Nhật Bản trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2014). Hai bên cũng đã chủ trì đối thoại cấp cao, thông qua "đề cương xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản (26/6/2014).

- Về hợp tác lao động: Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 18.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA tháng 10/2011), đợt đầu tiên gồm 138, đợt 2 (tháng 5/2015) gồm 137 y tá và điều dưỡng viên đã sang Nhật Bản.

- Về du lịch: Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Năm 2014, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 647.956 lượt, tăng 7.3% so với năm 2013, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). Khách du lịch Việt nam vào Nhật Bản đạt 120.000 khách năm 2014 (Nguồn Tổng cục du lịch).

6 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 316.751 lượt, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2014, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) (Nguồn: Tổng Cục Du lịch Việt Nam).

- Về hợp tác lãnh sự: Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật, đến 6/2014, tại Nhật có 85.000 người Việt Nam và tại Việt Nam có 11.200 người Nhật. Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh. Phía ta mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (4/2009); Tháng 6/2010, bổ nhiệm 2 Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido).

Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 1/5/2005.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam.

­­- Về hợp tác địa phương hai nước: cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, đã có nhiều tỉnh của Nhật Bản và Việt Nam ký văn bản hợp tác như: Hồ Chí Minh-Osaka (2007), Đà Nẵng - Sakai (2009), Hà Nội - Fukuoka (ký lần hai năm 2013), Đà Nẵng - Yokohama (2013), Hồ Chí Minh - Yokohama (2013), Đồng Nai - Hyogo (2013), Bà Rịa - Vũng Tàu - Kawasaki (2013), Phú Thọ - Nara (2014), Huế - Kyoto (2014).

Tháng 7/2015

連絡

住所: 〒151-0062東京都渋谷区元代々木町50-11

電話番号:

(813) 3466-3311
(813) 3466-3313
(813) 3466-3314

ファックス : +8133466-3312

電子メール:

- 一般情報の問い合わせ:
   vietnamembassy-japan@vnembassy.jp

- 領事業務の問い合わせ:
   vnconsular@vnembassy.jp

- 国民保護の問い合わせ:
   baohocongdan@vnembassy.jp

ページビューの合計数: 10602683